DIENDANDOANHNGHIEP.VN Trong bối cảnh giá cước vận tải cũng như giá thuê tàu đang giảm mạnh, các doanh nghiệp ngành vận tải, logistics đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
2023-06-02
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp ngành vận tải, giá cước vận tải container hiện nay đang giảm rất mạnh, nhất là trên các tuyến vận tải quốc tế. Đơn cử như tuyến TP.HCM – Malaysia, giá cước container 40 feet giảm từ 26 – 40 triệu đồng/container, xuống còn từ 7-8 triệu đồng/container. Giá cước container 20 feet cũng giảm mạnh từ khoảng 13-19 triệu đồng xuống còn khoảng 4,5 triệu đồng/container.
Không những giá cước giảm mạnh mà giá thuê tàu cũng giảm mạnh khoảng 50% so với giá thuê hồi đầu năm 2022, từ 20.000 USD/ngày, xuống còn 12.000 USD/ngày. Thị trường vận tải biển đang phản ánh chịu tác động rất lớn bởi nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu giảm mạnh do lạm phát, lượng hàng tồn kho còn rất lớn và phải cần thời gian dài để xử lý.
Bên cạnh việc giá cước và giá thuê tàu giảm mạnh, lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cảng trong những tháng đầu năm 2023 cũng giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển trong quý I/2023 giảm 4% so với cùng kỳ, đạt hơn 165 triệu tấn.
Trong đó, hàng xuất khẩu giảm 4%, đạt 42,6 triệu tấn, hàng nhập khẩu giảm 9%, đạt 48,9 triệu tấn; hàng nội địa giảm 10%, đạt 73,5 triệu tấn; và hàng quá cảnh giảm 7%, đạt 375.000 tấn.
Đại diện Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) cho rằng, thị trường vận tải biển phải đến năm 2024 mới khả quan trở lại. Dư âm của lạm phát và khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cùng sức tiêu dùng ảm đạm của nhiều thị trường quan trọng như châu Âu và Mỹ đã ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông hàng hóa.
Trong khi đó, Chứng khoán SSI cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vận tải biển có thể duy trì tốt hơn nhờ giá dịch vụ ổn định, mặc dù tăng trưởng sản lượng yếu. Tuy nhiên, theo SSI, các yếu tố chính tác động đến ngành cảng biển vẫn cần phải theo dõi, bao gồm sự hồi phục tiêu dùng từ các nước nhập khẩu, chiến tranh Nga – Ukraine và việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
SSI dự báo sản lượng vận chuyển hàng hóa dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023, nhưng cũng sẽ khó lặp lại sự bùng nổ như năm 2021. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng từ nguồn cung tàu mới sẽ khiến thị trường dư cung, qua đó, đẩy giá cước giảm sâu.
Đối diện với bức tranh khó khăn chung của ngành, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải, logistics ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Trong đó, kết quả kinh doanh giảm sâu nhất phải kể đến Công ty CP Transimex (HoSE: TMS), với doanh thu thuần quý I/2023 giảm 72%, xuống còn 462 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ giảm 79%, xuống còn 53 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Đại lý Vận tải SAFI (HoSE: SFI) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 62% so với cùng kỳ, xuống còn gần 305 tỷ đồng; Lãi ròng cũng giảm 35% so với cùng kỳ, chỉ còn 22 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu giảm do giá cước vận chuyển quốc tế, số lượng lô hàng giảm mạnh, đặc biệt, nhu cầu vận tải hàng không giảm nhiều so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Công ty CP Kho vận miền Nam (HoSE: STG) cũng có kết quả kinh doanh “đi lùi” so với cùng kỳ. Cụ thể, STG ghi nhận doanh thu thuần quý đầu năm đạt hơn 385 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt gần 40 tỷ đồng, cũng giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Hay như một “ông lớn” khác trong ngành logistics và dịch vụ cảng biển là Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD), mặc dù ghi nhận doanh thu tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, đạt 902 tỷ đồng, nhưng lãi ròng của doanh nghiệp cũng sụt giảm 26%, xuống còn 202 tỷ đồng, do hoạt động thương mại suy yếu, cùng với việc doanh nghiệp hụt khoản thu hơn 100 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết.
Có kết quả kinh doanh ảm đạm hơn là Công ty CP MHC (HoSE: MHC) ghi nhận doanh thu chỉ đạt 4,3 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ. Do kinh doanh dưới giá vốn, cùng với doanh thu tài chính giảm mạnh, trong khi chi phí tài chính lại tăng cao, khiến doanh nghiệp này lỗ sau thuế hơn 36,7 tỷ đồng
Theo các chuyên gia, đà lao dốc của giá cước vận tải biển xuất phát từ các nguyên nhân chính như: Lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng Trung ương, khiến nhu cầu tiêu dùng yếu đi, qua đó, kéo nhu cầu vận tải hàng hóa giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc giá cước tăng đột biến từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 đã thúc đẩy nhiều hãng vận tải biển đóng tàu mới, gia tăng công suất, dẫn đến thừa cung, cũng là một nguyên nhân kéo giá cước vận tải giảm mạnh.