Cước vận tải giảm quá mức là ‘con dao hai lưỡi’

Chuyên gia ngành hàng hải cảnh báo nhân sự phụ trách lĩnh vực thu mua của doanh nghiệp cần cẩn trọng với tác động “dao hai lưỡi” từ thực trạng giảm giá cước vận tải hiện nay.


Công suất vận chuyển tăng nhanh và tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng được cải thiện đáng kể đã kéo giảm giá cước vận chuyển trong vận tải đường bộ, hàng hải và cả hàng không.

Nhưng theo ông Simon Heaney, Quản lý cấp cao phụ trách nghiên cứu về vận chuyển container của hãng tư vấn Drewry Logistics, thì sự sụt giảm này còn là tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang suy yếu, trong khi các hãng vận chuyển đang cố gắng hạn chế công suất để duy trì giá cước.

Trao đổi với Supply Management, ông Heaney nhận định: “Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng dọc theo chuỗi cung ứng kết hợp với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch đã đẩy giá cước vận chuyển lên cao đến mức khó tin.

“Bây giờ thì điều ngược lại đang xảy ra khi nền kinh tế ‘nguội lạnh’ khá nhanh chóng và lạm phát cao đang ăn vào sức chi tiêu của người dân. Những khoản chi của người dân đang được phân bổ vào nhiều mục khác nhau, các loại hàng hóa lâu bền không còn được quan tâm nhiều nữa. Và bây giờ tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng cũng đã được nới lỏng.

“Người mua hàng giờ đây rơi vào tình trạng dư thừa hàng tồn kho, vì trước đó mọi người đã cố gắng bổ sung hàng thật nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch. Người mua thực sự không cần phải đặt hàng lại (reorder) nhiều như trước, và việc giảm đặt hàng sẽ có tác động đến việc quản lý hàng tồn kho và nhập khẩu.”

Các vấn đề về hàng tồn kho vẫn luôn là một bài toán nhức đầu đối với nhân sự Phòng thu mua, như trong trường hợp Adidas phải rút lượng hàng giày Yeezy trị giá 500 triệu euro ra khỏi kệ sau những bình luận bài Do Thái từ đối tác Kanye West. Nike đã phải bỏ lại lượng hàng tồn kho dư thừa trị giá đến 9,7 tỷ USD sau khi đóng cửa một số nhà máy ở châu Á và thương hiệu thời trang Asos đã loại bỏ khỏi sổ sách 100 triệu bảng hàng tồn kho lỗi mốt do chuỗi cung ứng và quản lý hàng tồn kho không hiệu quả.

Theo nhà phân tích hàng tồn kho WarehouseQuote, giá thuê kho của Mỹ đã tăng 1,4% trong tháng 1 so với tháng trước và 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, theo hãng tư vấn và phân tích thị trường Xeneta, giá cước vận tải đường biển toàn cầu trong tháng 2/2023 đã giảm 13,3% so với tháng trước, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Đây là tháng giảm giá thứ năm liên tiếp, và Xeneta bổ sung “có rất ít dấu hiệu cho thấy thị trường giai đoạn sắp tới sẽ có thay đổi, trong một năm có vẻ như đầy thách thức đối với các hãng tàu”.

Nhu cầu hàng hóa vận chuyển đường hàng không toàn cầu cũng tiếp tục giảm, với mức giảm 8% so với tháng trước.

Đường biển giảm, hàng không giảm, đường bộ cũng chung số phận. Nhà cung cấp giải pháp vận tải hàng hóa đường bộ Transport Exchange Group cho biết giá cước vận tải đường bộ ghi nhận tại Vương quốc Anh đã giảm 9% sau kỳ nghỉ Giáng sinh, và giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Heaney từ Drewry ghi nhận: “[Giá cước] ngày càng suy giảm. Nhưng các hãng vận tải biển sẽ cố gắng làm giảm đà trượt dốc này bằng cách trì hoãn việc nhận các tàu container đóng mới và tạm không dùng đến một lượng sức chở nhất định. Nhiều động thái khác sẽ phụ thuộc vào phản ứng của thị trường vận tải biển đối với đợt suy thoái này.

“Ít nhất trong năm tới, cước vận chuyển sẽ vẫn ở mức khá sát, nhưng vẫn cao hơn một chút so với trước đại dịch. Và chắc chắn giai đoạn cước tăng phi mã đã qua.

“Nhưng vẫn sẽ có những rủi ro. Khi các hãng tàu cố gắng cân bằng lại thị trường, có rất nhiều cách họ có thể làm điều đó, và một số cách mà các hãng sử dụng có khả năng gây gián đoạn cho dịch vụ vận chuyển thông thường mà chủ hàng sử dụng. Đó thực sự là một con dao hai lưỡi, bởi vì đúng là bạn đang trả ít tiền hơn, nhưng với hàng hóa mà bạn sản xuất ra thì chưa chắc hãng tàu đã háo hức với việc vận chuyển ngay các lô hàng đó.”

Ông Heaney hy vọng những người mua trong ngành hàng tiêu dùng giá trị thấp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ thực trạng thị trường hiện tại, vì lợi nhuận của chính họ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chi phí vận chuyển cao trong đại dịch.

Theo nenlogistix


Công Ty TNHH Giao Nhận Thương Mại Minh Nhật

  • Địa chỉ: Đường 955, Kp Song Vĩnh, P Tân Phước, Tx Phú Mỹ, BR-VT
  • Số điện thoại: 0909505272 – 0928468118 – 0966246116
  • Email: caimep@gmail.com
  • Website: minhnhatcaimep.com

Bạn có thể liên hệ trực tiếp với công ty chúng tôi qua số điện thoại hoặc gửi email để trao đổi thông tin chi tiết về các dịch vụ xuất nhập khẩu, thanh lý hàng hóa và các yêu cầu của bạn. Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật sẽ hỗ trợ bạn 24/7 và cung cấp thông tin cần thiết.