Tọa đàm ‘Sinh viên Khởi nghiệp cùng Logistics’ do LCN tổ chức mang đến nhiều thông tin hữu ích cho sinh viên ngành Logistics.
Sáng 3/6/2023, tại trường Đại học Công nghệ Giao thông – Vận tải, Mạng lưới CLB Logistics sinh viên Việt Nam (LCN) dưới sự chủ trì của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức tọa đàm “Sinh viên Khởi nghiệp cùng Logistics”.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương – khẳng định, khởi nghiệp đang là xu hướng nổi bật, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên. Hiện nay, Logistics cũng là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng, là cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp trẻ. “Tôi mong muốn tọa đàm sẽ giải quyết được những băn khoăn, lo lắng của các bạn sinh viên trong khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời tiếp thêm nguồn động lực để các bạn sinh viên quyết tâm đi theo con đường của mình”.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – đã có những chia sẻ truyền cảm hứng, định hướng khởi nghiệp cho sinh viên trong Logistics. Hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đang ở mức cao, tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp, đặc biệt là đối với sinh viên. Logistics gắn với chuyển đổi số là một trong những chủ đề nóng, rất cần sự sáng tạo và đổi mới của thế hệ trẻ, tạo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Logistic là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thể hiện ở nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước và ở quy hoạch; đồng thời là lĩnh vực rất sáng tạo trong mô hình kinh doanh, mảnh đất màu mỡ nhất cho startup sáng tạo. Ông Thành cho biết thêm, chỉ số về tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ Việt Nam thuộc top đầu thế giới. “Sinh viên hãy “phát huy cái hay, đè bẹp cái khó, giảm bớt cái dở” để có thể mang lại những giá trị cho chính mình cũng như toàn xã hội”, ông Võ Trí Thành nhắn nhủ.
Phần tranh biện sôi nổi về vấn đề sinh viên Logistics khởi nghiệp.
Đặc biệt, tọa đàm đã diễn ra 2 phần tranh biện “nảy lửa” của sinh viên Logistics về vấn đề sinh viên khởi nghiệp. Trong thời đại hội nhập ngày nay, sinh viên đứng trước nhiều lựa chọn cho tương lai của mình. Và quyết định có nên hay không nên khởi nghiệp vẫn luôn là một câu hỏi khó trả lời. Đó là lý do mà LCN đưa ra 2 chủ đề tranh biện: “Sinh viên nên khởi nghiệp hay đi làm thuê?” và “Khởi nghiệp ngành Logistics có dành cho sinh viên?” tại tọa đàm. Thông qua phần tranh biện “nảy lửa” của sinh viên 4 trường: Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Đại học Phenikaa, sinh viên ngành Logistics bày tỏ tin tưởng các thầy cô và doanh nghiệp sẽ thấu hiểu được những băn khoăn, lo lắng nhưng cũng đầy sự quyết tâm, nhiệt huyết của sinh viên trên con đường đến với tương lai.
Khóa đào tạo thực chiến dành cho sinh viên Logistics
Ngành Logistics Việt Nam đang được đánh giá là rất tiềm năng, nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa xứng đáng với sự kỳ vọng đó. Cụ thể là chi phí Logistics vẫn còn ở mức cao so với mức trung bình trên thế giới. Một phần là do chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự cao. Có khoảng 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức Logistics. Hiện nay, trên mạng đang có rất nhiều các khóa học, đào tạo nghiệp vụ liên quan đến ngành Logistics, nhưng có lẽ vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu mà sinh viên mong muốn.
Bà Nguyễn Phương Anh – Phó Chủ tịch Mạng lưới CLB Logistics Sinh viên Việt Nam chia sẻ về “Khóa đào tạo thực chiến dành cho sinh viên Logistics”.
Nắm bắt xu hướng khởi nghiệp hiện nay, Mạng lưới CLB Logistics Sinh viên Việt Nam mong muốn tạo ra giá trị thực tiễn cho các bạn sinh viên thông qua dự án khởi nghiệp “Khóa đào tạo thực chiến dành cho sinh viên Logistics”. Bà Nguyễn Phương Anh – Phó Chủ tịch Mạng lưới CLB Logistics Sinh viên Việt Nam cho hay, Khóa học thực chiến của Mạng lưới sẽ được diễn ra với hình thức online và được dẫn dắt với đội ngũ giảng viên là chuyên gia, các anh chị có kinh nghiệm thực chiến tại các doanh nghiệp. Với thời lượng từ 5 – 7 buổi, các bạn sinh viên sẽ luôn được cập nhật kiến thức sát với thực tế. Ngoài ra, khóa học cũng sẽ đi kèm với những trải nghiệm thực tế có thể kể đến như tham quan thực tế, giải case study, thực hiện dự án tại doanh nghiệp.
“Với kim chỉ nam “Thấu hiểu – Lắng nghe – Chất lượng – Đồng hành”, Khóa học thực chiến sẽ chung tay hỗ trợ sinh viên, tạo giá trị thực tiễn cho sinh viên. Với dự án này, Mạng lưới sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, giúp sinh viên vững bước trên con đường của mình. Đây sẽ là bước đệm lớn giúp sinh viên có những chiếc chìa khóa mở ra cánh cổng cơ hội sau này”, bà Nguyễn Phương Anh chia sẻ.
Theo baotnvn