Cơ hội tiếp cận thị trường mới từ Hành lang vận chuyển Đông Nam Á-Trung Á-châu Âu

Sản lượng hàng hóa vận chuyển trên hành lang logistics đa phương thức kết nối Trung Quốc và Đông Nam Á đã tăng thêm 10,5% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên tới 424.000 TEU.

Hành lang này, có tên chính thức là Hành lang Thương mại đường bộ-đường biển quốc tế mới, kết nối các thành phố nội địa phía tây Trung Quốc như Trùng Khánh với Đông Nam Á. Hành lang này cũng hoạt động như một sợi dây kết nối Đông Nam Á với các thị trường khác, bao gồm cả Trung Á và xa hơn nữa là châu Âu.

Về giao thông hướng nam, hành lang này chủ yếu dành cho các sản phẩm nông nghiệp và phụ tùng ô tô được sản xuất ở miền tây Trung Quốc và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các tuyến vận tải không chỉ phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Đông Nam Á mà còn mở rộng sang các thị trường khác. Ví dụ: một trong những chuyến hàng mới nhất từ Trùng Khánh là một chuyến tàu chở hàng chở xe điện mới được đóng trong container đến Cảng Qinzhou, sau đó sẽ được chuyển đến Kuwait (Co-oét).

Giao thông hướng Bắc đến nay vẫn chủ yếu phục vụ thị trường Trung Quốc. Trong số tất cả các sản phẩm được vận chuyển, trái cây đã trở nên phổ biến. Các sản phẩm nổi bật là gạo Campuchia, dừa và măng cụt Thái Lan, chanh dây và sầu riêng của Việt Nam. Đầu tiên, hàng hóa được vận chuyển bằng tàu đến cảng Qinzhou ở tỉnh Quảng Tây và sau đó được chuyển bằng đường sắt đến phần còn lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các nước Đông Nam Á, tuyến đường này có ý nghĩa lớn hơn, vì có thể mở rộng xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà còn tiến vào các thị trường Trung Á.

Tiến đến thị trường Trung Á và xa hơn nữa

Khi nhiều nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại. Các quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc hiện đang chú ý mở rộng kết nối với Đông Nam Á và Kazakhstan là một trong số đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 6/2023, Serik Shumangarin, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng thương mại và hội nhập Kazakhstan, cho biết nước này đang nghiên cứu phát huy tiềm năng của mình như một trung tâm vận tải và hậu cần kết nối giữa châu Á và châu Âu. Kazakhstan đang tìm kiếm cơ hội từ các thị trường mới, ví dụ như Đông Nam Á có tiềm năng lớn về xuất khẩu các loại hàng hóa khác nhau sang châu Âu.

Ví dụ, vào ngày 25 tháng 1 năm 2023, sau khi được vận chuyển sang Trung Quốc, một chuyến tàu chở đầy đồ gia dụng của Việt Nam đã khởi hành từ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và hướng đến Almaty, Kazakhstan. Các sản phẩm đầu tiên được vận chuyển bằng đường biển đến cảng Tần Châu. Lò vi sóng, tủ lạnh, lò nướng điện, máy hút bụi và ti vi là những mặt hàng có giá trị cao được đóng container và vận chuyển trên tuyến đường này.

Ngoài ra, vào cuối tháng 5/2023, công ty Cảng đất liền quốc tế Tây An đã bắt đầu hợp tác với Cảng Tần Châu để thúc đẩy hành lang đa phương thức này, tập trung vào sức mạnh tổng hợp với các nước Trung Á. Do đó, tiềm năng của Đông Nam Á trong việc tìm kiếm một tuyến đường sắt mở rộng ổn định đến các thị trường bên ngoài biên giới Trung Quốc thông qua hành lang đa phương thức này đang trở nên thực tế hơn.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt giữa Trung Quốc-châu Âu đã tăng 30% trong nửa đầu năm nay, đạt 936.000 TEU. Số lượng đoàn tàu khai thác tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 8.641 chuyến tàu.

Nguồn: Trung tâm Thông tin CN&TM trích từ Báo cáo thị trường logistics ASEAN do Trung tâm thực hiện định kỳ hàng tháng.