Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn nữa, các hàng rào liên quan đến môi trường sẽ được áp dụng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa thì có thể bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.
Năm 2023 có thể là một năm khó khăn với các doanh nghiệp logistics
Tại bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam được đánh giá ở vị trí 16, cải thiện 1 bậc so với năm 2022 với 5,02 điểm. Còn về yếu tố cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng với 6,03 điểm.
Dựa trên các điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, Việt Nam được đánh giá lần lượt ở vị trí 19 và 15 của bảng xếp hạng.
Trao đổi với Mekong Asean, khi nhìn nhận về thị trường logistics Việt Nam, ông Ngô Ngọc Hoàn, Trưởng nhóm Phát triển Kinh doanh, Công ty TNHH Samsung SDS Việt Nam cho rằng có hai yếu tố chính đang ảnh hưởng đến thị trường này.
Thứ nhất là việc phân hóa của nhu cầu thị trường, điều này không chỉ xảy ra với riêng Việt Nam mà xảy ra trên toàn cầu.
Yếu tố thứ hai, theo ông Hoàn là do nhu cầu giảm đã khiến chi phí logistic hiện tại thấp hơn rất nhiều so với năm 2021, nhiều khi chỉ bằng 1/10 so với 2 năm về trước. Điều này tác động trực tiếp đến doanh thu cũng như lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp, khiến trong ngắn hạn sẽ có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp ngành logistics.
Tuy nhiên, ông Ngô Ngọc Hoàn cho rằng, vẫn còn nhiều triển vọng tích cực trong thời gian tới. Trên thế giới, chu trình thắt chặt lãi suất ở các nước đang gần đi tới hồi kết. Kỳ vọng đến cuối năm nay hoặc sang năm 2024 thì việc cắt giảm lãi suất sẽ trở thành nhu cầu cấp bách và việc điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới sẽ giúp nền kinh tế và các doanh nghiệp phát triển hơn.
“Có thể năm nay là một năm tương đối khó khăn nhưng vượt qua được giai đoạn này sẽ có nhiều cơ hội để khai thác. Hiện tại sẽ là thời gian để các doanh nghiệp tái cơ cấu và phục hồi sau 2 năm vô cùng sôi động vừa qua.”
Chia sẻ với báo chí bên lề Tọa đàm giới thiệu Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp logistics có lợi thế rất lớn là hoạt động sản xuất cũng như thương mại trong nước và quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh thời gian qua. Điều này đã tạo ra nguồn hàng, nguồn cung cấp dịch vụ sẵn có.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng các doanh nghiệp logistics không thể trông cậy vào nguồn hàng trong nước mà cần phát triển, tiến ra nước ngoài để thiết lập một cuộc chơi bình đẳng và cạnh tranh.
Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam vào tháng 8 tới chính là một yếu tố giúp cho doanh nghiệp của Việt Nam có thể tiếp cận, làm quen với các đối tác nước ngoài để có định hướng lâu dài hơn trong việc tiến ra thị trường bên ngoài và thiết lập con người kinh doanh mới trong thời đại mới.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh – xu hướng tất yếu của doanh nghiệp logistics
Nhận định về xu hướng vận động của doanh nghiệp ngành logistics trong thời gian tới, ông Ngô Ngọc Hoàn cho rằng đầu tư và chuyển dịch của doanh nghiệp logistic sẽ có rất nhiều xu hướng.
Một xu hướng quan trọng hiện nay là việc các doanh nghiệp logistic sẽ tiến tới cung cấp cung cấp dịch vụ trọn gói door to door và rất nhiều dịch vụ gia tăng cho các doanh nghiệp. Khi có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau thì sẽ giữ chân khách hàng gắn bó cùng doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo sự thuận tiện cho khách hàng để phát triển kinh doanh.
Chuyển đổi số cũng là xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp logistics, hướng tới số hóa trong các khâu hoạt động cũng như các công việc kinh doanh của doanh nghiệp, từ sản xuất cho đến bán hàng, vận chuyển, hậu mãi… nhằm rút ngắn thời gian xử lý công việc.
“Xanh hóa hay logistics xanh đã trở thành một mệnh lệnh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp logistics. Chỉ trong thời gian rất ngắn nữa thôi thì các yêu cầu, biện pháp, hàng rào liên quan đến môi trường sẽ được áp dụng, trước hết là với những thị trường phát triển, thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa thì có thể bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng, khỏi cuộc chơi.”
Do đó, cả doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại lẫn doanh logistics đều cần có có nhận thức về vấn đề này để có sự chuẩn bị và thích ứng.
Ông Hải cho rằng, điều quan trọng là hướng đến mục tiêu là giảm phát thải ròng bằng không, tức là việc phát thải sẽ phải được bù đắp bằng những hoạt động bảo vệ môi trường, tạo ra yếu tố xanh như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là một vấn đề lớn, còn mới nhưng các doanh nghiệp Việt cũng cần phải hiểu và thích ứng vì thị trường luôn vận động.
Theo mekongasean