Kinhtedothi – Những tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu sôi động với nhiều đơn hàng tỷ USD hứa hẹn một năm bội thu của rau quả Việt. Tín hiệu tích cực cùng với chất lượng sản phẩm đạt chuẩn đang giúp ngành hàng này khẳng định vị thế tại nhiều thị trường lớn, giá trị cao.
Mới đây (ngày 19/4), lô hàng 28 tấn khoai lang đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn bộ sản phẩm được tuyển chọn nghiêm ngặt từ vùng nguyên liệu thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Theo Bộ NN&PTNT, vào cuối năm 2022, 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Với sản lượng hàng năm từ 1,2 – 1,3 triệu tấn, việc Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch khoai lang góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường 1,4 tỷ dân này.
Trước đó không lâu (ngày 17/3), Công ty TNHH MTV Ngọc Minh LS (Cần Thơ) đã xuất khẩu lô 18,5 tấn sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. Hay hồi tháng 1/2023, Công ty CP Banana Brothers Farm (tỉnh Đắk Lắk) đã xuất khẩu đơn hàng chính ngạch 10 container chuối, trị giá trên 5 tỷ đồng sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Nhận định năm 2023 hoạt động xuất khẩu rau quả có nhiều thuận lợi, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế đang có để tạo sức bật cho ngành rau quả, nhất là khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng rau quả của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị rau quả Việt trên thị trường quốc tế.
Năm 2022, nhiều loại trái cây tươi như chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, bưởi, chanh của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand; nhãn tươi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản.
Với những lợi thế như vậy, ngành rau quả đề ra mục tiêu, năm 2023 tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022 và dự kiến xuất khẩu rau quả có thể đạt giá trị tới 4 tỷ USD.
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp thị trường xuất, nhập khẩu giữa hai quốc gia dần sôi động trở lại. Song Trung Quốc hiện tại đã có những quy định rất mới và khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu nên DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi quay lại thị trường quan trọng này.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn phân tích, Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch với phía bạn.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Về những giải pháp cho xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Bộ đã xác định tập trung cao độ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, khai thác tối đa mọi cơ hội để xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng, khoai lang, tổ yến.
Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, thiết lập những đường dây nóng để trao đổi trực tiếp khi phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm sang những hội chợ, triển lãm lớn, chuyên ngành tại Trung Quốc.
Song song với đó là đón các đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, đối tác và nhà cung cấp. Điều này cũng góp phần tận dụng tối đa mọi cơ hội khi thị trường Trung Quốc được hồi phục trở lại.