Doanh nghiệp logistics tất bật trong ‘thời điểm vàng’ thuế quan

(KTSG Online) – Tận dụng giai đoạn 90 ngày tạm hoãn mức thuế quan mới từ Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu chay đua hoàn thành đơn hàng, kéo theo là doanh nghiệp vận tải biển cũng quá tải.


Hàng xuất khẩu tại một cảng biển ở TPHCM. Ảnh: TL

Logistics quá tải, chi phí tăng cao

Chia sẻ với KTSG Online, ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA) nói chính sách thuế quan mới của Mỹ đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp logistics Việt Nam. Trong đó, chi phí logistics tăng khiến việc giao hàng bị chậm trễ, hàng tồn kho nhiều hơn và khó điều phối vận chuyển.

Đại diện Advantage Logistics, ông Hoàng Lê Quyền, Phó Giám Đốc cho biết từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, ngành logistics ghi nhận tình trạng quá tải trên diện rộng. Các hãng tàu và hàng không chứng kiến lượng đặt chỗ và sản lượng hàng hóa tăng đột ngột, dẫn đến quá tải và rớt tải.

Doanh nghiệp cảng, kho vận buộc tạm ngưng nhận thêm hàng do lượng tồn kho tăng mạnh, rút ngắn thời gian lưu bãi chờ xuất như tại cảng Cát Lái, thời gian tiếp nhận container giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày với hàng khô và 24 giờ với hàng lạnh.

Đa số doanh nghiệp vận tải xe tải, xe kéo container ghi nhận thời gian vận hành cho một chuyến hàng tăng kỷ lục, nhiều chuyến mất hơn 24 giờ so với thông thường do kéo dài thời gian chờ đến lượt đóng hàng tại kho, kẹt xe trên đường đến cảng và chờ hạ bãi chờ xuất vì bãi cảng quá tải.

Ông Quyền lý giải ngành logistics ở Việt Nam nhiều năm nay vốn đã là ngành có sự cạnh tranh cao khi rào cản vào ngành thấp, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lên tới 25.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2024. Ngành đã chứng kiến nhiều đợt tăng chi phí từ tình hình chung trên thế giới như dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, chiến sự biển Đỏ giữa 2024…

Trước thời điểm Mỹ áp thuế, nhu cầu logistics tăng đột ngột cuối tháng 3, đầu tháng 4 chỉ khiến chi phí vận tải tăng 10-20%, mức được xem là không đáng kể và doanh nghiệp đã thích nghi. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, khi thuế nhập khẩu Mỹ bắt đầu tính theo thời điểm hàng cập cảng, đơn hàng dự kiến sụt giảm, kéo theo chi phí logistics giảm nhưng biên lợi nhuận cũng lao dốc do nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt. Ngành logistics được dự báo sẽ rơi vào giai đoạn khó khăn.

Đáng lo hơn, từ tháng 10, Mỹ sẽ áp thuế lên các tàu thuộc sở hữu hoặc đóng tại Trung Quốc, vốn chiếm 70-80% đội tàu quốc tế, có thể đẩy chi phí vận tải tăng vọt, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và siết chặt ngành logistics vốn đang chịu áp lực lớn, ông chỉ ra.

Từ công ty khác, ông Nguyễn Ngọc Thạch, CEO của Smart-Link Logistics cho rằng hiện tại chi phí cước tàu biển cho mỗi tuyến đang biến động khó lường, đang tăng 30-50% cho mặt hàng xuất khẩu đi những thị trường chính của Việt Nam đến Mỹ so với thời gian chưa áp thuế. Mức giá biến động khó lường do việc hàng xuất đi Mỹ từ Việt Nam tăng nhưng hàng hoá từ Trung Quốc đi Mỹ lại không có, tuỳ theo hàng lạnh hay khô nên thời gian tới sẽ có cường độ thay đổi.

Một phần quan trọng nữa là hiện tại lượng hàng hoá trên toàn cầu giảm nên các hãng tàu vận chuyển sẽ rút tải bảo trì làm cho nguồn cung giảm và cũng có thể đẩy giá cước tàu tăng cao. Ông đánh giá bên cạnh hoạt động quá tải đơn hàng, một số mặt hàng không gấp, có thể thay thế như dệt may, nội thất ở Việt Nam… các nhà nhập khẩu không ưu tiên và có xu hướng tạm hủy hay hoãn chờ thông tin mới.

Ông ghi nhận sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam từ ngày 9-4, nhưng sau đó tạm giảm xuống 10% và gia hạn 90 ngày để đàm phán, lượng đơn hàng từ Mỹ đã tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trước khi mức thuế mới có thể thay đổi. Các ngành chủ lực như dệt may, đồ gỗ, thủy sản và điện tử đang tăng tốc tận dụng mức thuế ưu đãi 10% thay vì 46%.

Đầu tư vào công nghệ, đa dạng hóa thị trường để ứng phó 

Khảo sát nhanh từ VLA và tham khảo từ EuroCham cho thấy hơn 70% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá mức độ biến động “cao” hoặc “rất cao” do lo ngại thuế quan của Mỹ, gây chậm trễ các quyết định chiến lược. Dù 47% không có quan hệ trực tiếp với Mỹ, họ vẫn chịu ảnh hưởng gián tiếp từ chuỗi cung ứng toàn cầu. 25% doanh nghiệp xác định có nguy cơ tổn thất, nhiều đơn vị đang cắt giảm chi phí, nhân sự hoặc cân nhắc di dời.

Dự kiến lợi nhuận ròng giảm 10-30%, phổ biến nhất là 20%. Về tác động cụ thể, 69% ghi nhận đơn hàng từ Mỹ sụt giảm, 61% bị hủy hoặc hoãn hợp đồng, 46% chịu áp lực chi phí logistics tăng. Nếu chính sách thuế được áp dụng, doanh nghiệp xuất khẩu, vận tải, logistics và bất động sản công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước khả năng dòng hàng xuất khẩu sang Mỹ chững lại, ngành logistics Việt Nam có nguy cơ dư thừa năng lực trên nhiều phân khúc. Vận tải biển đứng trước nguy cơ giảm mạnh công suất sử dụng khi lượng cung tàu toàn cầu hiện đã dư thừa khoảng 15%. Trong khi đó, hệ thống kho bãi có thể rơi vào tình trạng quá tải ngắn hạn rồi nhanh chóng dư thừa nếu nhu cầu xuất khẩu giảm đột ngột. Các doanh nghiệp cũng đối mặt với việc tồn kho container, bao bì và vật liệu đóng gói khi hoạt động logistics giảm tốc.

Để giúp doanh nghiệp logistics đối phó với các thay đổi sau khi thuế mới được áp dụng, VLA đã đưa ra các khuyến nghị quan trọng. Các doanh nghiệp cần kiên định và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ ngành và đối tác trong và ngoài nước để đàm phán về thuế, đồng thời theo dõi và chia sẻ thông tin để duy trì kênh cảnh báo sớm. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, minh bạch hóa chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí cũng là yếu tố quan trọng giúp duy trì tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với đối tác, đầu tư vào công nghệ và phát triển dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động. VLA cũng khuyến khích áp dụng các nền tảng dịch vụ chung để tối ưu hóa chi phí và kết nối khách hàng.

Ông Quyền nhấn mạnh doanh nghiệp logistics cần liên tục cập nhật thị trường, phản ứng linh hoạt với thay đổi, tăng cường liên kết để tạo chuỗi giá trị, phát triển nội lực qua nâng cao chuyên môn. Đồng thời, công ty áp dụng công nghệ tối ưu hóa vận hành và phát triển thêm một số dịch vụ chuyên môn, thủ tục đầu cuối cho ngành.

Hoạt động đóng hàng tấp nập những “ngày vàng” thuế quan. Ảnh: DNCC

Theo ông Quyền, giai đoạn vàng để xuất khẩu hàng vào Mỹ sẽ diễn ra đến giữa tháng 5 cho hàng hoá vận chuyển theo đường biển, đến giữa tháng 6 đối với hàng hoá vận chuyển theo đường hàng không.

Việt Nam hiện còn khoảng 45 ngày để xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển đến các cảng Bờ Tây và 30 ngày đến các cảng Bờ Đông Mỹ, nhằm kịp thời gian tàu cập cảng trước mốc 1-7-2025, thời điểm có thể áp dụng mức thuế mới. Với hàng không, thời gian vận chuyển chỉ mất 1-5 ngày tới mọi sân bay tại Mỹ, nhưng thường giới hạn ở nhóm hàng có tính khẩn cấp, đặc thù và giá trị cao. Doanh nghiệp cần theo dõi sát các diễn biến mới nhất trong đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ để chủ động điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, phía đại diện Smart-Link Logistics nói thêm.

Trong thời gian tới, kế hoạch mở rộng thị trường đã được công ty chuẩn bị từ sớm, đội ngũ cũng đã kết nối một số thị trường ở EU, Ấn Độ, Trung Quốc để tìm hiểu tiêu chuẩn, kỹ thuật khách yêu cầu. Ông cũng chủ động tham gia các hội chợ quốc tế tìm kiếm khách hàng mới để cân bằng 30% thị trường Mỹ từ trước đến nay.

“Để tránh bị động trong trường hợp xấu sau 90 ngày, công ty cũng đa dạng hóa thị trường, tuy vậy không phải tất cả đều là khách hàng mục tiêu của mình, công ty phải chọn ra thị trường khai thác chuyên sâu, đầu tư bài bản từ nhân sự để san sẻ áp lực từ thị trường Mỹ”, ông Thạch nói thêm.

Theo Trang Saisontime


Hãy liên hệ với Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật để thảo luận về yêu cầu và nhận được tư vấn chi tiết về quy trình thanh lý hải quan nhập khẩu và sử dụng các dịch vụ khác mà công ty cung cấp. Công ty sẽ hỗ trợ bạn với dịch vụ nhanh chóng, an toàn và với giá cả cạnh tranh. Bạn có thể liên hệ với công ty theo thông tin sau:

    • Tên công ty: Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật
    • Địa chỉ: Đường 955, Kp Song Vĩnh, P Tân Phước, Tx Phú Mỹ, BR-VT
    • Số điện thoại: 0909505727 – 0928468118 – 0966246116
    • Email: minhnhat.caimep@gmail.com
    • Website: minhnhatcaimep.com

Bạn có thể liên hệ trực tiếp với công ty chúng tôi qua số điện thoại hoặc gửi email để trao đổi thông tin chi tiết về các dịch vụ xuất nhập khẩu, thanh lý hàng hóa và các yêu cầu của bạn. Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật sẽ hỗ trợ bạn 24/7 và cung cấp thông tin cần thiết