Các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực logistics của Thái Lan

Các nền kinh tế Đông Nam Á đang vận động theo xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt khi quá trình này được thúc đẩy bởi các chiến lược đổi mới trong quản trị rủi ro để ứng phó với các cú sốc mới như dịch bệnh, biến đổi khí hậu cực đoan và xung đột địa chính trị, thương mại phức tạp. Những xu hướng này đã tác động đáng kể đến sự phát triển của một số ngành kinh tế liên quan như logistics, sản xuất công nghiệp chế biến-chế tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Trong khu vực, Thái Lan được đánh giá là có nền tảng cơ sở hạ tầng tốt, cộng đồng doanh nghiệp năng động, tiềm năng kết nối cao về vận tải đa phương thức (đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt…) với các quốc gia trong khu vực. Thái Lan cũng được hưởng lợi từ quá trình hội nhập kinh tế cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn mà nước này ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực logistics.

Tuy nhiên, Thái Lan chỉ cho phép các công ty nước ngoài có cổ phần dưới 50% trong các công ty logistics. Do đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải lập liên doanh với sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa, hoặc mua lại cổ phần với tỷ lệ dưới 50% của các công ty logistics đang hoạt động tại Thái Lan.

Dưới đây là hai ví dụ tiêu biểu về chiến lược gia nhập thị trường bằng mua lại cổ phần và thành lập liên doanh mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tiến hành tại Thái Lan. 

Ví dụ 1: Mua lại cổ phần: Hanjin Logistics Corporation- công ty logistics của Hàn Quốc đã gia nhập thị trường logistics của Thái Lan với việc khai trương một kho container mới tại cảng Laem Chabang.

Tập đoàn Hanjin của Hàn Quốc đã mua 14% cổ phần của công ty logistics địa phương KSP Depot với giá 830.000 USD, cho phép công ty này tham gia vào các hoạt động của nhà ga vận chuyển hàng hóa container (CFS). CFS đóng vai trò lưu trữ, phân phối và xử lý hàng hóa đóng container.


                                              Chú thích ảnh: Tàu đang làm hàng tại cảng Laem Chabang (Thái Lan)

Với việc thành lập cơ sở CFS, Hanjin có kế hoạch giới thiệu dịch vụ “logistics một cửa” toàn diện, tích hợp liền mạch với mạng lưới vận tải nội địa trên khắp Thái Lan.

Hanjin cũng dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường lân cận như Việt Nam, Lào và Campuchia, tập trung vào các dịch vụ giao nhận và vận tải xuyên biên giới.

Laem Chabang CFS, do KSP Depot điều hành và nằm cách Cảng Laem Chabang 1,6 km (0,9 dặm), có diện tích rộng 9.000 mét vuông (96.875 feet vuông).

Hanjin hiện đang điều hành 12 công ty con trên toàn cầu, bao gồm cả ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Châu Âu. Tại Đông Nam Á, tập đoàn này quản lý bốn công ty con tại Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Indonesia, cùng với các văn phòng đại diện tại Thái Lan và Singapore.

Ví dụ 2: Hyundai Glovis thành lập liên doanh với hai nhà sản xuất phụ tùng ô tô và logistics của Thái Lan, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực logistics tại quốc gia này.

Liên doanh có tên là Hyundai Glovis Thái Lan và được thành lập với Eastern Air Logistics và Summit Auto Body Industry, cả hai đều có trụ sở tại Bang Phli, Thái Lan.

Hyundai Glovis cho biết việc thành lập một liên doanh vì Thái Lan chỉ cho phép các công ty nước ngoài có cổ phần dưới 50% trong các công ty logistics.

Liên doanh sẽ thực hiện các đơn hàng logistics cho các công ty thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand (CP).  Công ty sẽ sử dụng 150 xe tải điện để vận chuyển sản phẩm từ các trung tâm logistics đến các cửa hàng 7-Eleven địa phương, được điều hành bởi CP ALL của Tập đoàn CP tại Thái Lan. Nhiều xe tải điện sẽ được bổ sung trong vòng 5 năm tới để đáp ứng các đơn đặt hàng.

Hyundai Glovis Thái Lan cũng có kế hoạch vận chuyển thực phẩm tươi sống của CP Group ra nước ngoài đến các nước như Campuchia và Malaysia.

Công ty liên doanh đã ký một biên bản ghi nhớ với CP Group và sẽ tiếp tục hợp tác để sử dụng các phương tiện chạy bằng điện và hydro để giao hàng, đồng thời sử dụng máy bay không người lái và rô-bốt tại các trung tâm logistics để làm cho quy trình tổng thể hiệu quả hơn. Công ty cũng sẽ vận chuyển sản phẩm của các công ty tham gia liên doanh, vận chuyển ô tô do Summit Auto Body Industry lắp ráp.

Công ty liên doanh sẽ thực hiện một số hoạt động giao hàng của Eastern Air Logistics, chủ yếu là xử lý các đơn đặt hàng của các công ty sản xuất toàn cầu. Hyundai Glovis Thái Lan sẽ vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài và vào Thái Lan, trong khi Eastern Air Logistics sẽ giải quyết các thủ tục hải quan và giao hàng trong Thái Lan.

Nguồn: Trung tâm Thông tin CN&TM (VITIC), trích từ Báo cáo thị trường logistics ASEAN, tháng 6/2023.