Sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, dự báo, xuất nhập khẩu nửa cuối năm 2023 sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức.
Xuất khẩu đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu cơ bản giữ được đà tăng và sau 6 tháng ước đạt 164,45 tỷ USD, đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước) chậm hơn so với khu vực có vốn FDI (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước), cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh ở điều kiện còn nhiều khó khăn.
Có thể thấy rõ, xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm khi đạt mức tăng hai con số. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái (sản lượng gạo xuất khẩu tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái); xuất khẩu rau quả tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nửa đầu năm nay. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam những tuần đầu tháng 6/2023 đạt khoảng 498 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng ghi nhận mức giá 478 USD/tấn, cao hơn Thái Lan khoảng 10 USD/tấn, cao hơn Ấn Độ khoảng 50 USD/tấn.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, tháng 4, Công ty cũng đã trúng thầu xuất khẩu 11.347 tấn gạo lức hạt dài sang thị trường Hàn Quốc với giá khá tốt, gần 600 USD/tấn. Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn 5.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu; khoảng 32.000 tấn gạo sang Hàn Quốc; ngoài ra còn xuất khẩu vào các thị trường như: Trung Đông, Malaysia, Trung Quốc…
Đáng chú ý, công ty không chỉ xuất khẩu gạo mà còn đang mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như: mì, phở, bún… vào các thị trường Mỹ, châu Âu. Đây là phân khúc giá trị rất cao, vì nếu loại gạo chế biến có mức giá gần 700 USD/tấn thì giá trị đem lại của sản phẩm chế biến có thể nâng giá trị của 1 tấn gạo đó lên đến 2.500- 3.000 USD.
Đã có tới 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (giảm 02 mặt hàng so với cùng kỳ), chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Nổi bật, một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%). Một số thị trường mới ghi nhận tăng trưởng cao như Arhentina (tăng 35% so với cùng kỳ), Arập Xê-ut (tăng 67%), Angeri (tăng 91%).
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng hiếm hoi đó, nhìn chung, xuất khẩu vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%…
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%…
“Một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa tiếp tục đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua. Một số nông sản còn quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân, tiểu ngạch nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới” – báo cáo nêu rõ.
Kim ngạch nhập khẩu giảm ở hầu khắp nhóm hàng
Về nhập khẩu, theo Bộ Công Thương, hàng hóa nhập khẩu cơ bản được kiểm soát tốt khi nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2% và nhóm hàng hóa khác chiếm 5,7%.
Kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 18,2% so với cùng kỳ do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 9,4 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%; cao su các loại giảm 41,2%; bông các loại giảm 21,5%; hóa chất giảm 24,2%; phân bón giảm 28,1%… Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 66,5%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,09 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 25,6%; thị trường ASEAN ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 16,9%; Nhật Bản đạt 9,8 tỷ USD, giảm 18,7%; EU đạt 7,06 tỷ USD, giảm 10,7%; Hoa Kỳ đạt 7 tỷ USD, giảm 7,3%.
Như vậy, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,16 tỷ USD), góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ công tác điều hành tỷ giá. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu nửa cuối năm sẽ ra sao?
Bộ Công Thương chỉ rõ, nửa cuối năm, sự phục hồi yếu của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc thời gian qua đã làm giảm giá dầu trên thế giới (kỳ điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 12/06/2023 của Bộ Tài chính không có nhiều biến đổi so với kỳ điều chỉnh trước đó). Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư và du lịch.
Bên cạnh đó, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư (Trung Quốc +1) sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong ASEAN cùng với việc khu vực này là trọng tâm ảnh hưởng của các nước khu vực thị trường lớn và cũng là một trong những khu vực vẫn duy trì được sức tăng trưởng và nội lực kinh tế khiến ASEAN trở thành thị trường ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại và kinh tế của các nước: EU xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương; Hoa Kỳ thúc đẩy đàm phán IPEF, Anh đàm phán thành công gia nhập CPTPP… cũng sẽ tạo thuận lợi đối với các hoạt động đầu tư và sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Đặc biệt, các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA… sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.
Tuy nhiên, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, trong thời gian tới cũng sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với cạnh tranh thương mại – công nghệ giữa các nước lớn, các chính sách quốc tế có tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực như việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, quy định của EU về việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp liên quan đến rừng, các sản phẩm thủy sản khai thác…
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp như hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh XK, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử. Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn, ngành Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu.
Nguồn: Báo Công Thương