Thông thoáng cho doanh nghiệp khai, nộp C/O, nhưng cần chú trọng khâu hậu kiểm

(HQ Online) – Rất nhiều điểm mới có tính cải cách nổi bật tại Thông tư 33/2023/TT-BTC (Thông tư 33) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Xung quanh việc triển khai thông tư mới này, doanh nghiệp được hưởng lợi gì và hải quan địa phương cần lưu ý gì? phóng viên Tạp chí Hải quan đã phỏng vấn ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ).


Những quy định cải cách nổi bật tại Thông tư 33 là gì, thưa ông?

Thông tư 33 được Bộ Tài chính ban hành thay thế cho 4 thông tư gồm: Thông tư số 38/2018/TT-BTC; Thông tư số 62/2019/TT-BTC; Thông tư số 47/2020/TT-BTC; Thông tư số 07/2021/TT-BTC với nhiều quy định có tính cải cách. Đầu tiên là quy định về việc khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu. Tại Thông tư 33 được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn trường hợp xác định được xuất xứ Việt Nam sẽ khai như thế nào và trường hợp không xác định được sẽ khai như thế nào.

Điểm mới tiếp theo của Thông tư là quy định về việc chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Thông tư 33 không quy định việc khai chậm nộp mà căn cứ trên thời hạn hiệu lực của chứng nhận xuất xứ doanh nghiệp nộp tại thời điểm nào. Nếu như giấy chứng nhận còn hiệu lực thì sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tại thời điểm đó. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp sẽ được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày. Còn đối với các trường hợp khác như: hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm soát về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, sức khỏe của cộng đồng hoặc hàng hóa thuộc diện thông báo theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thì phải nộp ngay tại thời điểm làm thủ tục.

Điểm mới nữa trong Thông tư 33 là quy định về bảo lãnh nộp thuế trong trường hợp mà chưa có giấy chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Việc áp dụng bảo lãnh như thế nào quy định cụ thể tại Điều 42 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Bên cạnh đó, quy định về trường hợp từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng là điểm mới tại Thông tư 33. Theo đó, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu nếu cơ quan Hải quan kiểm tra phát hiện: chứng từ chứng nhận xuất xứ đã quá thời hạn hiệu lực theo quy định của pháp luật và theo thông báo của cơ quan cấp nước xuất khẩu về C/O không đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hoặc không có hiệu lực để áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt thì sẽ từ chối ngay.

Bên cạnh đó, Thông tư 33 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các trường hợp có sự khác biệt về mã số HS; trừ lùi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Đáng chú ý, điểm nổi bật tại Thông tư 33 được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đó là quy định cho phép nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng bản dữ liệu điện tử hoặc là chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy. Hoặc trong trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, doanh nghiệp cũng không phải nộp mà chỉ khai số tham chiếu hoặc số hiệu của chứng tự chứng nhận xuất xứ ở trên tờ khai hải quan để được hưởng ưu đãi.

Hiện Tổng cục Hải quan đã tích cực tổ chức các hoạt động phổ biến các quy định mới tại Thông tư 33, xin ông cho biết, vấn đề nào doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện có hiệu quả?

Ngay sau khi Thông tư ban hành, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều đề nghị và đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp cũng như hải quan địa phương. Qua các buổi tập huấn có một số vấn đề nổi bật các doanh nghiệp rất quan tâm. Bởi những nội dung thay đổi cơ bản tại Thông tư có thể là sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau và doanh nghiệp rất muốn cơ quan Hải quan làm rõ.

Chẳng hạn như vấn đề về nộp bản scan thì doanh nghiệp có phải nộp bản giấy hay có phải lưu giữ chứng từ? Về vấn đề này, cơ quan Hải quan đã giải thích rõ, doanh nghiệp đã nộp chứng từ bản scan thì không phải nộp chứng từ giấy. Tuy nhiên doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm lưu giữ bản giấy để phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan Hải quan.

Vấn đề thứ hai là việc khai nợ chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với mặt hàng xăng dầu. Riêng xăng dầu là mặt hàng đặc thù thuộc diện nhà nước quản lý và điều hành về giá. Căn cứ theo quy định hiện hành, để có cơ sở thực hiện việc tính mức giá cơ sở, xác định giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu, phải dựa trên thông tin tờ khai hải quan. Do vậy riêng mặt xăng dầu nếu doanh nghiệp nợ C/O vẫn phải khai báo nợ để các cơ quan chức năng có cơ sở xác định mức giá cơ sở khi mà công bố cho người tiêu dùng.

Vấn đề nữa các doanh nghiệp cũng rất quan tâm là việc khai thay đổi mục đích sử dụng đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ. Trường hợp thay đổi về mã số HS doanh nghiệp có được khai bổ sung? hoặc sau khi kiểm tra sau thông quan, cơ quan Hải quan xác định mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp không thuộc đối tượng hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp có được bổ sung C/O để tính thuế theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt? hoặc trong trường hợp hàng hóa khi khai báo thay đổi mục đích sử dụng không còn so với nguyên trạng ban đầu thì doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi hay không? Các trường hợp trên doanh nghiệp đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi nếu như chứng từ chứng nhận xuất xứ doanh nghiệp nộp mà còn thời hạn hiệu lực…

Những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp đều được cơ quan Hải quan giải đáp trực tiếp tại các hội thảo, đồng thời tổng hợp để có văn bản hướng dẫn cụ thể đảm bảo doanh nghiệp cũng như cơ quan Hải quan thống nhất cách hiểu và thống nhất cách thức thực hiện.

Ở góc độ cơ quan quản lý, có lưu ý gì cho Hải quan địa phương khi thực hiện Thông tư 33 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, thưa ông?

Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, ban soạn thảo đã lấy ý kiến các đơn vị Hải quan địa phương và cũng có ý kiến lo ngại được đặt ra. Ví dụ như vấn đề là sử dụng chứng từ chứng nhận xuất xứ giả, hay thực hiện các quy định liên quan đến xác định tiêu chí để được hưởng thuế suất ưu đãi…

Trong quá trình xây dựng dự thảo ban soạn thảo đã giải thích, hay sau khi Thông tư ban hành, trong các buổi hội thảo, tập huấn đã giải thích rất rõ, đi đôi với việc tạo thuận lợi, cơ quan Hải quan cũng phải tăng cường các biện pháp quản lý. Trong cái trường hợp chúng ta đã tạo điều kiện khâu thông qua thì phải có các biện pháp quản lý sau thông quan. Do vậy đối với các Thông tư này trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng lưu ý hải quan địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm tra sau thông quan. Đối với các lô hàng nhập khẩu khi doanh nghiệp nộp các chứng từ bản scan thì có thể sẽ được miễn cái kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế do vậy cơ quan Hải quan phải tăng cường kiểm tra ở khâu hậu kiểm để đảm bảo kịp thời phát hiện các trường hợp doanh nghiệp gian lận xuất xứ khi làm thủ tục hải quan.

Xin cảm ơn ông!

Theo báo haiquanonline


Công Ty TNHH Giao Nhận Thương Mại Minh Nhật

  • Địa chỉ: Đường 955, Kp Song Vĩnh, P Tân Phước, Tx Phú Mỹ, BR-VT
  • Số điện thoại: 0909505272 – 0928468118 – 0966246116
  • Email: caimep@gmail.com
  • Website: minhnhatcaimep.com

Bạn có thể liên hệ trực tiếp với công ty chúng tôi qua số điện thoại hoặc gửi email để trao đổi thông tin chi tiết về các dịch vụ xuất nhập khẩu, thanh lý hàng hóa và các yêu cầu của bạn. Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật sẽ hỗ trợ bạn 24/7 và cung cấp thông tin cần thiết.