Tàu kéo có cách thức hoạt động như thế nào?
Bạn có bao giờ thắc mắc điều gì khiến cho một chiếc tàu kéo nhìn có vẻ bé nhỏ nhưng lại có thể kéo một con tàu lớn và nặng hơn nhiều so với nó không?
Tàu kéo là một loại tàu chuyên dụng để giúp những con tàu thủy lớn di chuyển qua những như kênh đào hoặc bến cảng đông đúc. Điểm kỳ lạ là tàu kéo tuy có kích thước không lớn nhưng lại có thể kéo hoặc đẩy một con tàu khổng lồ nặng tới cả chục nghìn tấn.
Sở dĩ, tàu kéo có thể làm vậy là bởi hệ thống động cơ mạnh mẽ và thiết kế đặc biệt. Cụ thể, tàu kéo sở hữu các động cơ diesel có công suất lớn lên tới 34,000 mã lực, giúp chúng có tỷ số trọng lượng so với công suất là 9,5, cao hơn hẳn so với tỷ số 1,2 của các tàu chở hàng. Nhờ những động cơ này, tàu kéo có thể vận hành ba chân vịt cùng một lúc để tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ. Không chỉ có động cơ, sự linh hoạt của tàu kéo cũng là nhờ vào hệ thống bánh lái và vòi phun hiện đại. Được thiết kế với phần thân có khả năng rẽ nước tốt, tàu kéo có thể “đâm sâu” vào nước , tăng ma sát và do đó, tạo ra lực kéo bollard mạnh mẽ hơn.
Tùy thuộc vào kích thước của tàu kéo và tàu thủy cỡ lớn, tàu kéo có thể hoạt động một mình hoặc phối hợp theo nhóm để di chuyển tàu thủy qua các cảng hay kênh đào. Để kéo đến đích, tàu kéo thường sử dụng dây kéo làm từ chất liệu bền. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế về khả năng kiểm soát hướng đi và độ chính xác. Do đó, việc đẩy thường được ưu tiên hơn là kéo, với tàu kéo di chuyển sát bên và đẩy tàu thủy. Phương pháp này không hiệu quả khi thời tiết xấu, do sự va chạm giữa tàu kéo và tàu thủy. Có hai loại tàu kéo chính: tàu kéo nội địa, hoạt động ở vùng nước nông; và tàu kéo đi biển, được thiết kế để hoạt động ở biển sâu.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho biết một lý do khác giúp tàu kéo có thể di chuyển tàu cỡ lớn. Đó là trên đất liền, các phương tiện kéo cần có trọng lượng đủ lớn để lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường đảm bảo bánh xe không trượt khi kéo tải nặng. Tuy nhiên, dưới nước, khối lượng của phương tiện không còn là yếu tố quan trọng. Điều quan trọng là khả năng đẩy nước của chân vịt, và khả năng này không phụ thuộc vào kích thước của tàu mà vào công suất của động cơ. Tàu kéo cơ bản hoạt động như một động cơ phụ cho tàu lớn hơn, được kết nối với tàu qua dây thừng và hoạt động ở một khoảng cách nhất định.
Điều này giúp cho tàu lớn với bánh lái và chân vịt cố định ở đuôi trở nên linh hoạt hơn khi di chuyển trong khu vực cảng. Tàu kéo giúp tàu lớn có thể thực hiện các cú quẹo sắc hơn mà không cần phải điều chỉnh chính bánh lái hoặc chân vịt của nó.
Chính vì lẽ đó, một tàu kéo không cần phải lớn hơn mức cần thiết. Một tàu kéo có kích thước quá lớn sẽ làm giảm khả năng cơ động của nó ở những khu vực hạn chế, tạo ra nhiều lực cản, sử dụng nhiều nhiên liệu hơn, chi phí sản xuất cao hơn và chiếm nhiều không gian bến tàu hơn khi đỗ tại cảng.
*Nguồn: Quora, Youtube