(HQ Online) – Là một trong những đơn vị hải quan tiên phong trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đỗ Thanh Quang đã chia sẻ với Tạp chí Hải quan một số kinh nghiệm, cũng như giải pháp trong tiến trình hiện đại hóa, hướng tới Hải quan số, Hải quan thông minh.
Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Quang (giữa) và các công chức tham dự Hội nghị và Triển lãm năm 2023 của WCO tại Hà Nội
Là đơn vị hải quan địa phương quản lý và làm thủ tục cho khối lượng hàng hóa XNK lớn nhất cả nước, trong những năm qua, Cục Hải quan TPHCM đã ứng dụng CNTT trong các khâu nghiệp vụ như thế nào, thưa ông?
Trong nhiều năm qua, Cục Hải quan TPHCM luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hải quan và quản trị nội bộ; đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn cùng với toàn Ngành Hải quan xây dựng và nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực quản lý hải quan; thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sự đánh giá hài lòng của doanh nghiệp.
Cán bộ công chức Cục Hải quan TPHCM sử dụng thành thạo, có hiệu quả các Hệ thống nghiệp vụ phục vụ công tác như: Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Chương trình giám sát hàng hóa tự động (Ecargo-VASSCM), Hệ thống thông tin quản lý rủi ro, Hệ thống E-Manifest, Hệ thống quản lý vi phạm hải quan, Hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu…
Được biết, trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM đã triển khai thành công một số đề án, chương trình ứng dụng CNTT mang tính đột phá, ông có thể chia sẻ về những nội dung này?
Cục Hải quan TPHCM đã chủ động xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cũng như nghiệp vụ nhằm hỗ trợ công tác đặc thù của đơn vị. Cục cũng đã thực hiện các phân hệ ứng dụng tích hợp trên Hệ thống quản trị nội bộ HCAS trong việc số hóa, điện tử hóa quy trình các lĩnh vực công tác: quản lý văn bản và điều hành công việc, theo dõi kết luận chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp, đánh giá phân loại CBCC hàng tháng, quản lý nghỉ phép điện tử của CBCC; hỗ trợ nghiệp vụ cho CBCC về các lĩnh vực: chính sách mặt hàng, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, mang hàng về bảo quản, báo cáo quyết toán, theo dõi trạng thái tờ khai tại các khâu trong quy trình nghiệp vụ…
Cùng với đó, đơn vị đã triển khai thành công một số đề án mang tính đột phá, kể đến như: Đề án tạo thuận lợi thương mại: thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa XNK tại cảng Cát Lái; Đề án Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, người lao động và tự soi, tự sửa tại Cục Hải quan TPHCM; Đề án đào tạo phân tích hình ảnh máy soi cho cán bộ công chức làm nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, hành lý bằng máy soi; Đề án Ứng dụng CNTT trong việc nâng cao công tác quản lý, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), với chủ đề “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp” vừa được tổ chức thành công, ông nhận thấy thế nào về chuyển đổi số của Hải quan Việt Nam nói chung và Hải quan TPHCM nói riêng?
Việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) lần đầu tiên tại Việt Nam là sự kiện lịch sử của ngành Hải quan, đưa vị thế của Hải quan Việt Nam lên tầm cao mới. Lễ Khai mạc Hội nghị thực sự là màn trình diễn ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị.
Trên cương vị là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị và Triển lãm công nghệ năm 2023 của WCO, và với vai trò là Tư lệnh ngành Hải quan Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đã dẫn dắt phiên đối thoại đầu tiên thành công rực rỡ, thể hiện sự am hiểu sâu sắc của nước chủ nhà về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ đổi mới để giải quyết các thách thức của thương mại toàn cầu, thảo luận về cách đổi mới và áp dụng công nghệ có thể thu hút thế hệ kế nhiệm của các công chức hải quan và tạo niềm tự hào trong nghề nghiệp hải quan.
Đáng chú ý, những công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Bigdata)… được giới thiệu, thảo luận tại hội nghị, giúp nhận biết những lợi ích và rào cản của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động hải quan. Sự có mặt của các đơn vị công nghệ hàng đầu của WCO, các giới thiệu công nghệ từ các chuyên gia giúp chúng ta tiếp cận gần hơn và có cơ sở kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai ứng dụng công nghệ mới vào công tác quản lý hải quan.
Hội nghị cũng là cơ hội để Hải quan Việt Nam tăng cường hợp tác với cơ quan Hải quan các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ. Những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp từ Hội nghị sẽ giúp Hải quan Việt Nam nói chung, Cục Hải quan TPHCM nói riêng có hướng đi phù hợp trong tiến trình hiện đại hóa hải quan hướng đến Hải quan số, Hải quan thông minh.
Vâng, từ câu chuyện Hải quan thế giới đến Hải quan Việt Nam, theo ông, Hải quan TPHCM sẽ triển khai những giải pháp gì để nắm bắt cơ hội, phát triển hải quan trong kỷ nguyên số?
Hội nghị giúp chúng ta học tập kinh nghiệm, tri thức, khoa học, công nghệ tiến bộ của thế giới đã và đang ứng dụng rất hiệu quả trong công tác quản lý của ngành Hải quan tại các nước phát triển trên thế giới.
Để nắm bắt cơ hội, phát triển hải quan trong kỷ nguyên số, Cục Hải quan TPHCM triển khai những giải pháp sau:
Đẩy mạnh việc nghiên cứu và làm chủ các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và từng bước ứng dụng công tác quản lý nhà nước về hải quan như: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Bigdata), phân tích thông minh (BI), di động (Mobility), chuỗi khối (Blockchain), ảo hóa (Cloud) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ thuật số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; đảm bảo tính bền vững và quản trị tốt trong quá trình áp dụng công nghệ;
Xác định yếu tố con người làm trọng tâm của tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để khai thác sức mạnh của công nghệ, đối phó với các thách thức mới nổi của thương mại toàn cầu;
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế nhiệm yêu nghề, tạo niềm tự hào trong nghề nghiệp hải quan; ứng dụng hiệu quả công nghệ vào công tác soi chiếu, camera quan sát, phân tích hình ảnh, phân loại hàng hóa, quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chống buôn lậu, chống hàng gian hàng giả, phát hiện ma túy, vũ khí…
Hiện tại, hàng hóa XNK đã được cơ quan Hải quan thực hiện thông quan tự động chiếm đến 99%. Trong đó 65% thông quan từ 1-3 giây, 30% thông quan từ 5-10 phút, 2-5% thông quan từ 1-2 tiếng. Cần thiết phải ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào trong quy trình thông quan hàng hóa để giúp cảnh báo rủi ro, kiểm soát chống buôn lậu, tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ.
Để thực hiện được, Cục Hải quan TPHCM đề xuất Tổng cục Hải quan thu hút, tạo nguồn cán bộ từ thế hệ tri thức trẻ, xuất sắc để chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận, sẵn sàng cống hiến cho ngành Hải quan, cho đất nước.
Theo haiquanonline
Hãy liên hệ với Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật để thảo luận về yêu cầu và nhận được tư vấn chi tiết về quy trình thanh lý hải quan nhập khẩu và sử dụng các dịch vụ khác mà công ty cung cấp. Công ty sẽ hỗ trợ bạn với dịch vụ nhanh chóng, an toàn và với giá cả cạnh tranh. Bạn có thể liên hệ với công ty theo thông tin sau:
- Tên công ty: Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật
- Địa chỉ: Đường 955, Kp Song Vĩnh, P Tân Phước, Tx Phú Mỹ, BR-VT
- Số điện thoại: 0909505272 – 0928468118 – 0966246116
- Email: minhnhat.caimep@gmail.com
- Website: minhnhatcaimep.com
Bạn có thể liên hệ trực tiếp với công ty chúng tôi qua số điện thoại hoặc gửi email để trao đổi thông tin chi tiết về các dịch vụ xuất nhập khẩu, thanh lý hàng hóa và các yêu cầu của bạn. Công ty TNHH giao nhận thương mại Minh Nhật sẽ hỗ trợ bạn 24/7 và cung cấp thông tin cần thiết.