Định hình Chuỗi Cung ứng sau đại dịch: Một phân tích toàn diện

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng hàng hóa.

 (nenlogistix.com) Đại dịch COVID-19 đã để lại dấu vết không thể xóa nhòa đối với chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Bài viết này sẽ đi sâu vào một báo cáo mới được công bố gần đây của Jabil, khám phá các chiến lược và công nghệ mà các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng đang áp dụng để điều hướng bối cảnh hậu đại dịch.

Jabil là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, với hơn 100 nhà máy tại 30 quốc gia, chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất và quản lý sản phẩm cho các công ty điện tử toàn cầu. Tại Việt Nam, nhà máy của Jabil nằm tại Khu Công nghệ cao, TP. Thủ Đức, TPHCM.

________________________________________

Không thể phủ nhận đại dịch COVID-19 đã định hình lại bối cảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy việc đánh giá lại các chiến lược và tập trung đổi mới vào khả năng phục hồi và khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Một báo cáo khảo sát gần đây của Jabil, với tiêu đề “Báo cáo về mức độ sẵn sàng của chuỗi cung ứng toàn cầu: Đại dịch và hậu đại dịch”, được tổng kết dựa trên khảo sát từ 713 nhân vật quan trọng trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, đã cung cấp một phân tích khá toàn diện về thực trạng hiện tại của chuỗi cung ứng toàn cầu và các chiến lược mà các nhà sản xuất đang tiến hành để giảm thiểu sự gián đoạn trong tương lai.

Báo cáo nhận định trong khi ý tưởng địa phương hóa chuỗi cung ứng đến gần hơn với điểm tiêu thụ, bao gồm cả việc đưa sản xuất về nước (reshoring), đã thu hút được nhiều sự quan tâm, thì nhiều nhà sản xuất vẫn chưa sẵn sàng thực hiện những thay đổi sâu rộng như vậy. Thay vào đó, doanh ngiệp đang tập trung vào quản lý quan hệ nhà cung cấp và đầu tư cho công nghệ. Cách tiếp cận này cho phép các nhà sản xuất duy trì sự linh hoạt trong môi trường kinh tế khó lường, đặc biệt là trong bối cảnh các sự kiện gần đây làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, chẳng hạn như xung đột Nga-Ukraine hay lệnh phong tỏa ở Thượng Hải vào Q2/2022.

Kết quả khảo sát trong báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc (nhà sản xuất phải) xây dựng mối quan hệ hợp tác và lâu dài với các nhà cung cấp, đơn vị cung cấp giải pháp sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ khác, những chủ thể có công nghệ, phạm vi hoạt động toàn cầu và có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất. Chẳng hạn, gần 40% số doanh nghiệp được hỏi trong ngành thiết bị y tế, ngành có nhu cầu sản phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, cho biết tình trạng thiếu linh kiện có tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động. Và 57% số doanh nghiệp được hỏi đã tăng cường liên lạc với các nhà cung cấp và 44% cho biết họ trao đổi thường xuyên hơn với các bệnh viện để cung cấp sản phẩm của nhà sản xuất khi bệnh viện cần.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc tối ưu hóa khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Trong khi 35% số doanh nghiệp được hỏi đã đa dạng hóa cơ sở cung ứng của họ trong thời kỳ đại dịch, thì có 31% có kế hoạch sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và 34% bắt đầu đánh giá lại hoạt động của nhà cung cấp trong thời kỳ đại dịch. Điều thú vị là, việc đưa sản xuất về nước (reshoring) hoặc đưa sản xuất về gần nơi tiệu thị (nearshoring) ít được ưu tiên hơn trong thời gian ngắn đối với nhiều doanh nghiệp được hỏi. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, nhiều nhà sản xuất đang xem xét các động thái chuyển đổi để bảo vệ chuỗi cung ứng của họ khỏi sự gián đoạn lớn tiếp theo, bao gồm 26% có kế hoạch nearshoing hoặc reshoring và 27% có kế hoạch thuê ngoài hoạt động sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.

3 điểm nhấn được rút ra từ báo cáo:

1. “Trong khi ý tưởng địa phương hóa các chuỗi cung ứng đến gần hơn với điểm tiêu thụ hàng hóa, bao gồm cả việc đưa sản xuất về nước (reshoring), đã thu hút được nhiều sự quan tâm hơn trong thời gian qua, thì nhiều nhà sản xuất vẫn chưa sẵn sàng thực hiện những thay đổi sâu rộng như vậy. Thay vào đó, doanh ngiệp đang tập trung vào quản lý quan hệ nhà cung cấp và tăng cường đầu tư cho công nghệ.”

2. “Kết quả khảo sát trong báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc (nhà sản xuất phải) xây dựng mối quan hệ hợp tác và lâu dài với các nhà cung cấp, đơn vị cung cấp giải pháp sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ khác, những chủ thể có công nghệ, phạm vi hoạt động toàn cầu và có khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất.”

3. “Trong giai đoạn sắp tới, nhiều nhà sản xuất đang xem xét các động thái chuyển đổi để bảo vệ chuỗi cung ứng của họ khỏi sự gián đoạn lớn tiếp theo, bao gồm 26% có kế hoạch nearshoing hoặc reshoring và 27% có kế hoạch thuê ngoài hoạt động sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.”

Theo supplychains